Nghề Cảnh sát giao thông luôn là một nghề hot. Người ta phải mất nhiều tiền để có một chân đứng đường vì cảnh sát giao thông làm việc trên đường phố có rất nhiều đặc quyền, đặc lợi.
Báo cáo khảo sát xã hội học của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã cho thấy, cảnh sát giao thông là ngành có nạn tham nhũng phổ biến nhất.
Hiện tượng lực lượng cảnh sát Giao thông khi xử lý người vi phạm về trật tự, an toàn giao thông thường gợi ý nhận hối lộ, bằng cách chia đôi tiền phạt “đôi bên cùng có lợi”, đã trở thành luật bất thành văn, với lý do người thi hành công vụ được hưởng tới 85% tiền phạt.
Trên thực tế, vào tháng 6/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý về chủ trương, cho phép lực lượng cảnh sát giao thông được trích lại một phần tiền xử phạt để đầu tư và hiện đại hóa lực lượng, nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Tuy nhiên, vào tháng 3/2024, Chính phủ đã bác bỏ đề xuất cho phép lực lượng này được trích lại tối thiểu 70% tiền xử phạt vi phạm, sau khi nộp vào ngân sách nhà nước, với lý do lo ngại về khả năng phát sinh tiêu cực và tham nhũng trong lực lượng này.
Ngày 13/11/2024, theo Nghị quyết số 160 được Quốc hội thông qua, chỉ nói chung chung, Bộ Công an sẽ được phân bổ 85% số tiền thu từ xử phạt vi phạm trật tự, an toàn giao thông. Phần còn lại tương ứng 15% sẽ được bổ sung cho ngân sách địa phương để hỗ trợ các lực lượng khác.
Sự mập mờ này đã khiến cho công luận hiểu nhầm rằng, tỷ lệ 85% trích lại sau khi nộp ngân sách sẽ được “chia cho” lực lượng cảnh sát giao thông.
Trong bối cảnh Nghị định 168 /2024/NĐ-CP có hiệu lực từ đầu năm 2025, theo đó mức phạt hành chính sẽ tăng gấp nhiều lần so với quy định cũ khiến dư luận ca thán.
Ngày 7/1, Đại tá Nguyễn Quang Nhật – đại diện Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an bất ngờ khẳng định Luật Trật tự An toàn Giao thông Đường bộ không quy định nội dung trên.
Theo Đại tá Nhật, con số chi ngân sách Trung ương trong năm 2025 sẽ chi cho Bộ Công an từ nguồn thu này là 5 nghìn 307 tỷ đồng, tương đương hơn 200 triệu đô la. Kinh phí này nhằm chi cho công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông theo Nghị định 176 /2024/NĐ-CP.
Vẫn theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, việc trích tỷ lệ 85% cho Bộ Công an của Quốc hội, dựa trên cơ sở thực hiện phân bổ ngân sách của Bộ Tài Chính. Do đó, thông tin cho rằng Cảnh sát giao thông được trực tiếp hưởng 85% tiền phạt là không đúng sự thật.
Công luận đã đặt câu hỏi, tại sao từ lâu nay, và gần nhất là tháng 11/2024, khi Quốc hội thông qua Nghị Quyết Bộ Công an được phân bổ 85% số tiền thu sau khi nộp ngân sách để thực hiện việc đầu tư bổ sung? Tại sao lãnh đạo Bộ Công an không minh bạch hóa để người dân được biết rõ.
Điều này có nghĩa là, lực lượng Cảnh sát giao thông không được nhận số kinh phí hàng ngàn tỷ đồng này để sử dụng riêng. Tại sao, trong Luật Trật tự, An toàn Giao thông không quy định điều này, nhưng Bộ Công an vẫn cố ý mập mờ “đánh lận con đen”?
Vì sao đến lúc này khi công luận bất bình cao độ thì đại diện của Cục Cảnh sát Giao thông, Đại tá Nguyễn Quang Nhật mới cho hay, các cơ quan chức năng đang xây dựng cơ chế hướng dẫn, và sẽ sớm được đưa vào thi hành.
Truyền thông quốc tế cho rằng, cựu Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm hiện đang giữ chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đã ban hành các chính sách ưu đãi đặc biệt đối với lực lượng cảnh sát giao thông.
Nhưng ngược lại, ông Tô Lâm cũng hạn chế quyền giám sát của người dân đối với lực lượng này. Điều đó có thể dẫn đến thiếu minh bạch và gia tăng nguy cơ lạm quyền trong lực lượng cảnh sát giao thông.
Đây là điều vi phạm Hiến pháp Việt Nam, vốn bảo đảm quyền giám sát của công dân đối với các cơ quan công quyền.
Trà My – Thoibao.de